7 loại vật dụng phải chuẩn bị khi cách ly, điều trị F0 tại nhà
Khẩu trang y tế dùng 1 lần đủ dùng cho cả nhà trong 2 - 3 tuần; găng tay y tế sạch tối thiểu đủ dùng cho người chăm sóc trong 2 - 3 tuần; nhiệt kế thủy ngân hoặc điện tử, máy đo huyết áp... là những vật dụng cần chuẩn bị khi điều trị F0 tại nhà. Cùng tham khảo bài viết dưới đây để biết cần chuẩn bị những gì bạn nhé!
7 Loại vật dụng phải chuẩn bị Theo hướng dẫn chăm sóc người mắc Covid-19 (F0) tại nhà do Bộ Y tế ban hành, ngay khi được thông báo về việc cách ly, điều trị F0 tại nhà, các thành viên trong gia đình chuẩn bị các vận dụng tối thiểu sau:- Khẩu trang y tế dùng 1 lần (đủ dùng cho cả nhà trong 2 - 3 tuần);
- Găng tay y tế sạch (tối thiểu đủ dùng cho người chăm sóc trong 2 - 3 tuần);
- Nhiệt kế thủy ngân hoặc điện tử, máy đo huyết áp;
- Thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy và các túi nylon màu vàng để lót bên trong thùng;
- Dụng cụ cá nhân dùng riêng cho người nhiễm: bàn chải răng; khăn tắm; khăn mặt; chậu tắm, giặt; bộ đồ dùng ăn uống; xà phòng (tắm, giặt); máy giặt (nếu có); dụng cụ phơi, sấy trang phục cá nhân;
- Các thuốc đang sử dụng cho người trong nhà có bệnh sẵn có như: cao huyết áp, đái tháo đường, gút… với số lượng có thể dùng trong ít nhất 30 ngày;
- Các thuốc và đơn thuốc (toa) của bác sĩ đối với người nhiễm (nếu có)
Ngoài chuẩn bị các vật dụng tối thiểu như trên, người trong gia đình cần lưu lại các số đường dây nóng phòng, chống dịch, số điện thoại của người được phân công hỗ trợ theo dõi sức khỏe người nhiễm và các số điện thoại cần thiết khác.
Đồng thời, cả gia đình nên xác định và thống nhất về vùng không gian dành riêng cho người nhiễm. Nếu cần có thể phân công một người phù hợp nhất chăm sóc người nhiễm.Hướng dẫn chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà của Bộ Y tế cũng lưu ý, khi một người trong nhà mắc Covid-19, những người khác trong nhà cũng có thể nhiễm bệnh, do đó cũng phải thực hiện cách ly tại nhà để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Cũng theo Bộ Y tế, việc vận động trong thời gian điều trị F0 tại nhà giúp giãn nở lồng ngực, tăng thông khí ra vào phổi, hô hấp tốt hơn, tăng cường khả năng vận động và các cơ tham gia hô hấp, ngăn chặn suy giảm thể chất, cải thiện tinh thần.
Trong đó, các bài tập gồm tập thở, vận động tại giường giãn cơ, thể lực tăng sức bền. Đặc biệt, trong quá trình tập luyện, nếu cảm thấy mệt, khó thở hay đau ngực, F0 cần dừng tập ngay và theo dõi cơ thể.
Nếu các tình trạng này vẫn tiếp tục tăng ngay cả khi đã nghỉ ngơi, bệnh nhân phải báo ngay cho nhân viên y tế để được theo dõi kịp thời.