Quẳng gánh lo đi vui sống How to Stop Worrying and Start Living

Hãng : Fahasa Đơn vị : Quyển

Ở Việt Nam, tác phẩm How to Stop Worrying and Start Living của Dale Carnegie đã có 50 năm gắn bó cùng bạn đọc Việt Nam qua bản dịch Quẳng gánh lo đi & vui sống của Học giả Nguyễn Hiến Lê và đã giúp nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam có được sự hạnh phúc và thành công trong cuộc sống.
Trong suốt thời gian tồn tại của mình, tác phẩm đã từng nhiều lần được những người con của Dale chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thời đại mới. Rất nhiều ví dụ, dẫn chứng quá cũ đã được thay bằng những câu chuyện mới, mang tính thời đại và ý nghĩa hơn. Chính vì sự cập nhật mới của tác phẩm cũng như khát khao mang đến cho độc giả Việt Nam một cuốn sách thật sự giá trị về những ý tưởng tuyệt vời để sống thanh thản và hạnh phúc, First News đã quyết định mua bản quyền ấn bản mới nhất và biên dịch lại tác phẩm nổi tiếng này.
Cuộc sống là một chuỗi những điều kỳ diệu và không ai trong chúng ta biết trước được điều gì sẽ xảy ra. Bức tranh cuộc sống có người giàu – kẻ nghèo, có người mạnh khỏe – người bệnh tật, có người lạc quan – có kẻ bi quan, có người luôn vui vẻ, tin yêu cuộc sống nhưng cũng có người buồn chán, thất vọng về mọi thứ. Và như chúng ta cũng thấy trong thực tế, một trong những đặc điểm thường trực và rắc rối của những người trưởng thành là sự lo lắng. Bạn là doanh nhân – giám đốc điều hành, nhân viên bán hàng, kỹ sư, kế toán; hay bạn đang làm việc trong bất kỳ ngành nghề nào hoặc bạn là nhà nội trợ hay là người đang thất nghiệp; nhưng hầu như ai cũng có những rắc rối của riêng mình! Có thể đó là những vấn đề khiến bạn lo lắng về tinh thần hay về vật chất. Nhưng bằng một cách vô hình nào đó, chúng đã và sẽ làm bạn dần hao mòn năng lượng và tình yêu cuộc sống, làm cho bạn trở nên già nua, xấu xí và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sự minh mẫn của bạn.
Và cuốn sách Quẳng gánh lo đi & vui sống – How to Stop Worrying and Start Living sẽ chứa đựng những “bí kíp” cũng như bài học để bạn thoát khỏi sự lo lắng, hướng đến một cuộc sống bình yên và hạnh phúc.
Cuốn sách được tác giả bắt tay vào thực hiện sau 5 năm nghiên cứu, tham khảo hàng trăm cuốn sách, bài viết và những cuộc phỏng vấn, trò chuyện với rất nhiều người nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực khác nhau về những những thành công, niềm vui và cả những nổi âu lo ở họ.
Thêm vào đó, với vai trò là giáo viên đứng lớp về các lớp học buổi tối dành cho người lớn để giải tỏa những nỗi lo lắng và hướng dẫn những cách thức, kinh nghiệm để đạt được thành công trong cuộc sống, tác giả đã có thời gian dài làm việc trong “một phòng thử nghiệm chế ngự lo lắng”. Ở đó, tác giả cùng các học viên của mình cùng đề ra một số quy tắc nhằm chế ngự lo lắng rồi yêu cầu học viên áp dụng chúng vào cuộc sống và báo cáo kết quả đạt được trước lớp. Một số người khác thì kể lại những cách thức mà họ đã sử dụng trong quá khứ. Những nội dung này cùng nhiều chia sẻ của các học viên đã cung cấp kinh nghiệm cho tác giả trong việc hình thành cuốn sách.
Do đó, cuốn sách này không hề là một mớ lý thuyết xa rời thực tế. Nó cũng không phải là một bài thuyết giảng kinh viện, giải thích những cơ chế khoa học nhằm kiểm soát những nỗi lo lắng. Đó là một tài liệu chính xác, súc tích kể lại việc hàng nghìn người trưởng thành đã chế ngự nỗi lo lắng của mình ra sao. Có một điều chắc chắn rằng: Đây là một cuốn sách gắn liền với thực tế, và bạn có thể ứng dụng nó dễ dàng.
Cuốn sách gồm 8 phần chia sẻ những nội dung xoay quanh sự lo lắng, những câu chuyện có thật về kinh nghiệm chế ngự và nguyên tắc loại bỏ nỗi lo lắng. Theo đó, cuốn sách trình bày 6 Cách tránh mệt mỏi và lo lắng đồng thời nâng cao tinh thần và sức lực, hơn thế nữa là Phương pháp phân tích và giải quyết nỗi lo, Cách thức gạt bỏ nỗi lo bị chỉ trích, 7 Cách luyện tinh thần để sống thanh thản và hạnh phúc... Một nội dung lớn được đề cập và phân tích sâu sắc, đồng thời là phương châm ngắn gọn nhất mà chúng ta có thể áp dụng là: Phương cách tuyệt vời để chế ngự nỗi lo lắng là lấy niềm tin làm điểm tựa. Mỗi nội dung, chủ đề đều được minh họa bằng nhiều câu chuyện có thật.
Cuốn sách là tập hợp những công thức giải tỏa lo lắng hiệu quả và đã được thời gian kiểm chứng. Và có thể bạn sẽ không thấy điều gì mới mẻ, nhưng bạn sẽ nhận ra nhiều điều đã bị chúng ta bỏ quên. Vấn đề không phải là chúng ta không biết hay không hiểu, mà là chúng ta không hành động. Mục đích của cuốn sách này là kể lại, làm sáng tỏ, tôn vinh và phân tích dưới góc nhìn mới của thời đại về những chân lý căn bản đã có từ xa xưa, nhằm xây dựng niềm tin nơi bạn và giúp bạn tự tin áp dụng chúng.
Khi chọn đọc cuốn sách này, chắc hẳn điều mà bạn mong mỏi là thực hiện một sự thay đổi. Vậy thì bạn còn chần chờ gì nữa?
Chúc bạn sớm quẳng gánh lo đi và vui sống!
Để quyển sách này mang đến kết quả tốt nhất
1. Để quyển sách này phát huy tác dụng cao nhất, có một yêu cầu không thể bỏ qua, một yêu cầu quan trọng hơn tất cả các yêu cầu khác. Nếu bạn không đáp ứng được điều kiện tiên quyết này thì dù bạn có áp dụng cả ngàn quy tắc khác cũng không đạt được tác dụng mong muốn.
Vậy, yêu cầu đặc biệt đó là gì? Rất đơn giản, đó là: Bạn phải có một khao khát học hỏi mãnh liệt, một quyết tâm kiên định trong việc quẳng gánh lo âu và vui sống.
Làm thế nào để có được khao khát ấy? Hãy nghĩ về sự bình yên của tâm hồn, sức khỏe, hạnh phúc và sự giàu sang mà bạn sẽ có được khi vận dụng những chân lý cổ xưa nhưng có giá trị vĩnh cửu mà quyển sách này nhắc đến.
2. Với mỗi chương, đầu tiên bạn cần đọc lướt qua để nắm ý chính. Có thể bạn sẽ bị cám dỗ muốn đọc chương tiếp theo. Nhưng đừng làm như vậy, trừ khi bạn đọc chỉ để giải trí. Nếu bạn đọc vì muốn vứt bỏ lo lắng và bắt đầu tận hưởng cuộc sống hạnh phúc thì hãy quay lại và đọc kỹ từ đầu chương. Xét về lâu dài, điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian và phát huy hiệu quả cao hơn.
3. Thường xuyên dừng lại để nghiềm ngẫm về nội dung bạn đang đọc. Hãy tự hỏi mình có thể áp dụng các gợi ý như thế nào và trong trường hợp nào. Phương pháp đọc này sẽ giúp ích cho bạn nhiều hơn là kiểu đọc hối hả như một chú chó nhỏ chạy đuổi theo con thỏ.
4. Chuẩn bị sẵn bút màu để đánh dấu ngay khi đọc được bất cứ gợi ý nào bạn cho rằng mình có thể áp dụng. Nếu đó là một gợi ý “bốn sao”, hãy gạch chân từng câu hoặc đánh ký hiệu “XXXX” ngay bên cạnh. Cách làm này sẽ khiến cho việc xem lại một quyển sách trở nên thú vị hơn, nhanh hơn và dễ dàng hơn.
5. Nếu bạn muốn đạt được một lợi ích thực sự và lâu dài trong việc đọc quyển sách này, đừng nghĩ rằng chỉ cần lướt qua một lần là đủ. Mỗi tháng bạn nên dành vài giờ xem lại. Hãy đặt quyển sách trên bàn làm việc trước mặt bạn mỗi ngày. Thường xuyên đọc nó và nhắc nhở mình về những cơ hội tiến bộ lúc nào cũng rộng mở.
Xin nhớ rằng việc áp dụng các nguyên tắc này chỉ trở thành một thói quen khi bạn thực hiện nghiêm túc việc ôn lại và thực hành. Không có cách nào khác ngoài cách ấy.
6. Bernard Shaw từng nhận xét rằng: “Nếu bạn cứ dạy bảo một người thì anh ta sẽ không bao giờ chịu học”. Shaw nói đúng, học hỏi là một quá trình chủ động. Chúng ta học hỏi bằng cách thực hành. Vì vậy, nếu bạn thực sự mong muốn nắm vững các nguyên tắc của quyển sách này thì hãy biến chúng thành hành động. Hãy áp dụng chúng bất cứ khi nào có cơ hội. Nếu không làm thế, bạn sẽ quên rất nhanh. Chỉ những kiến thức được vận dụng mới có thể lưu lại trong trí óc chúng ta.
Bạn có thể cảm thấy khó áp dụng được các gợi ý vào mọi lúc. Vì vậy, khi đọc quyển sách này, hãy nhớ rằng bạn không chỉ đơn thuần lấy thông tin mà còn đang cố gắng tạo lập những thói quen mới và cũng là tạo lập một cách sống mới nữa. Nó đòi hỏi thời gian, sự kiên trì và khả năng vận dụng hàng ngày.
Vì vậy, hãy thường xuyên giở lại quyển sách. Hãy coi nó như một quyển sổ tay giúp bạn chế ngự nỗi lo lắng; và khi gặp phải một vấn đề khó khăn – hãy đừng làm cho mọi thứ rối tung lên. Đừng làm những điều bốc đồng, theo bản năng bởi vì chúng chẳng mấy khi tỏ ra đúng đắn. Thay vào đó, hãy giở những trang sách này ra, đọc lại những đoạn bạn đã gạch chân. Rồi thử dựa vào nó để giải quyết vấn đề và đợi xem kết quả kỳ diệu sẽ đến với bạn.
7. Hãy biến việc học trở thành một trò chơi thú vị bằng cách hứa trả cho một người bạn nào đó một số tiền nho nhỏ mỗi khi họ bắt quả tang bạn đang vi phạm một trong các nguyên tắc.
8. Xin giở đến trang 246 và 247 của quyển sách này và đọc về cách mà ông chủ ngân hàng Phố Wall, H. P. Howell và con người vĩ đại Benjamin Franklin sửa chữa sai lầm. Sao bạn không thử dùng các phương pháp của họ để đối chiếu với việc áp dụng các quy tắc này của mình? Nếu làm theo, chắc chắn bạn sẽ đạt được hai điều:
Thứ nhất, bạn sẽ thấy mình được tham gia vào một quy trình giáo dục thú vị và vô giá.
Thứ hai, bạn sẽ thấy khả năng vứt bỏ âu lo và tận hưởng cuộc sống của mình phát triển như một cây nguyệt quế xanh tươi.
9. Hãy ghi chép vào một quyển sổ tay những thành công của bạn trong việc áp dụng các nguyên tắc này. Hãy ghi chi tiết về các tên tuổi, ngày tháng, kết quả đạt được... Việc ghi chép này sẽ tiếp thêm cảm hứng để bạn tiếp tục cố gắng; và nhiều năm sau, trong một buổi tối nào đó, bạn sẽ thấy thú vị biết bao khi tình cờ đọc lại chúng.
Tóm lại để phát huy cao nhất tác dụng của cuốn sách bạn nên áp dụng các ghi chú sau:
1. Nuôi dưỡng khát vọng nắm vững các nguyên tắc chế ngự lo lắng.
2. Đọc mỗi chương hai lần trước khi chuyển sang chương kế tiếp.
3. Khi đọc, thường xuyên dừng lại hình dung bạn sẽ vận dụng mỗi gợi ý như thế nào.
4. Gạch chân những câu, từ, ghi ra bên lề những ý quan trọng.
5. Xem lại quyển sách này hàng tháng.
6. Vận dụng các nguyên tắc mỗi khi có cơ hội. Sử dụng quyển sách này như một sổ tay làm việc giúp bạn giải quyết các rắc rối hàng ngày.
7. Biến việc học trở thành một trò chơi thú vị bằng cách hứa trả cho một người bạn nào đó một số tiền nho nhỏ mỗi khi họ bắt quả tang bạn đang vi phạm một trong các nguyên tắc trong quyển sách này.
8. Đánh giá lại những tiến bộ đạt được hàng tuần. Hãy tự hỏi mình đã mắc những sai lầm gì, đã cải thiện ra sao, và đã rút ra bài học gì.
9. Kẹp quyển sổ tay vào sau quyển sách để chỉ ra bạn đã áp dụng các nguyên tắc như thế nào và khi nào.