Phía nam biên giới, phía tây mặt trời
Tác giả: Haruki Murakami. Dịch giả: Cao Việt Dũng
Bìa mềm. Xuất bản tháng 10/2007. NXB Hội Nhà Văn, Cty Truyền Thô...Nhã Nam
Số trang: 290. Kích thước: 13x20.5x1.7cm. Cân nặng: 290 gr
Đó là câu chuyện đau đớn, khuấy động một cách ám ảnh. Một cuốn sách đẹp, gần như là mịn màng về những tầng sâu không thể dò đến của chúng ta.
"Có những gì?” có lẽ là câu hỏi mà cuốn sách nhỏ của Haruki Murakami đặt ra. Có những gì ở phía Nam biên giới, khi đó không chỉ là nước Mêxicô; có những gì ở phía Tây mặt trời, khi đó không chỉ là một chứng bệnh của những người nông dân Xibêri sống trong cảnh ngày đêm không phân cách; và có những gì trong những diễn tiến cuộc đời mỗi con người? Không chỉ cuộc đời ít chi tiết của Shimamoto-san mới gây băn khoăn, mà ngay cả ba giai đoạn được miêu tả hết sức rõ ràng của cuộc đời Hajime cũng không hoàn toàn làm thỏa mãn những người quen với những văn chương được tác giả chú tâm giải thích kỹ càng. Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời không yêu cầu người đọc diễn giải. Rất nhiều chi tiết trong đó thuộc về “tiểu sử ngoài đời” của Murakami, nhưng câu chuyện đơn giản được kể trên nền nhạc của Nat King Cole và Duke Ellington, với hương vị lạ lùng của những ly cocktail Daiquiri và Robin’s Nest có một khả năng đặc biệt: nó không cho phép mọi cách giải thích dễ dãi. Những câu hỏi liên tiếp hiện ra trong tâm trí Hajime, về ý nghĩa cuộc đời cũng như của từng trải nghiệm dù nhỏ đến đâu, sẽ dần truyền sang người đọc, và đến khi kết thúc, rất có thể sự hoang mang về ranh giới giữa thực và hư, chân thành và giả tạo, quy tắc và ngoại lệ sẽ là điều duy nhất mà người đọc “gặt hái” được. Điều này cũng không thật sự lạ, vì, đã trở thành quy luật, những câu trả lời thì qua đi, còn câu hỏi thì ở lại.
Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời là cuốn tiểu thuyết chứa đựng nhiều nhất con người thật của Haruki Murakami, và là câu chuyện đơn giản nhất mà Murakami từng kể. Tuy vậy, đơn giản không có nghĩa là dễ hiểu, và một lối kể chuyện giản dị không loại bỏ những nỗ lực kín đáo trong việc thoát ra khỏi những lối đi văn chương đã cũ mòn. “Sự kết nối” dễ thấy giữa phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời và những tác phẩm khác của Murakami có lẽ là năng lực đặc biệt của nhà văn Nhật Bản đối với cách tạo ra và xử lý cái bí ẩn. Không có mật độ dày đặc như trong "Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót" hay Kafka - "Bên Bờ Biển", cái bí ẩn ở đây giống như những đoạn nhạc jazz biến tấu ngẫu hứng trên nền của những bản nhạc cũ, và chính là cái để lại dư vị lâu nhất cho người đọc.