Sự khác nhau giữa trẻ còi xương và trẻ bị còi cọc
Nhiều cha mẹ vẫn thường nghĩ còi xương và còi cọc là cùng một bệnh giống nhau, do đó thường có cách chăm sóc điều trị không phù hợp dẫn đến bé mãi không khỏi. Dưới đây là bài viết về còi xương và còi cọc ở trẻ, cha mẹ cùng tìm hiểu nhé!
1. Còi xương và còi cọc là gi? nguyên nhân do đâu?
- Bệnh còi cọc ở trẻ
Còi cọc là trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết trong cơ thể, làm ảnh hưởng tới quá trình sống, hoạt động cũng như sự phát triển của trẻ. Trẻ còi cọc có số đo về chiều cao, cân nặng thấp hơn so với trẻ bình thường. Còi cọc là một bệnh và bệnh còi cọc có thể kèm còi xương hoặc không liên quan gì đến còi xương.
Nguyên nhân: bệnh còi cọc do nhiều nguyên nhân khác nhau như bố mẹ thiếu kiến thức nuôi dưỡng trẻ nên cai sữa cho bé sớm, cho bé ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn, thức ăn cho trẻ không đảm bảo chất lượng,… Ngoài ra, bé bị các bệnh nhiễm trùng cấp hoặc mãn tính (viêm phế quản mãn, lao, sởi, ỉa chảy,…), bị thiếu ăn do điều kiện gia đình khó khăn, bé sinh non hoặc mắc các bệnh lý khác,… cũng dễ bị còi cọc.
Biểu hiện: trẻ hay mệt mỏi, không hoạt bát, chán ăn, hay quấy khóc, ít ngủ, hay bị bệnh, chậm bò trườn, đi đứng, chậm mọc răng. Một số trẻ bị phù thũng toàn thân, rối loạn sắc tố da, thiếu máu da xanh tái,…
- Bệnh còi xương ở trẻ
Còi xương ở trẻ là cơ thể bị thiếu hụt vitamin D làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và chuyển hóa canxi và phospho, ngoài ra còn do thiếu vitamin K2 không hoạt hóa được protein vận chuyển canxi để đưa canxi đến xương, dẫn đến mềm xương và các rối loạn thần kinh thực vật. Còi xương có thể gặp cả ở những đứa trẻ rất bụ bẫm do nhu cầu về canxi, photpho cao hơn với trẻ bình thường.
Biểu hiện: trẻ hay quấy khóc, ngủ không ngon, hay bị giật mình, đổ mồ hôi trộm, rụng tóc sau gáy tạo hình vành khăn, các biểu hiện ở xương: thóp rộng, bờ thóp mềm, thóp lâu kín, có các bướu đỉnh, bướu trán (trán dô), đầu bẹp cá trê. Trường hợp còi xương nặng có di chứng: chuỗi hạt sườn, dô ức gà, vòng cổ chân, cổ tay, chân cong hình chữ X, chữ O, răng mọc chậm, trương lực cơ nhẽo, táo bón, chậm phát triển vận động (chậm biết lẫy, biết bò, đi, đứng)…Trong trường hợp còi xương cấp tính: trẻ có thể bị co giật do hạ canxi máu.
2. Cách chăm sóc, điều trị trẻ bị còi cọc và còi xương
- Với trẻ bị còi cọc
Nếu trẻ bị còi cọc, suy dinh dưỡng mức độ vừa và nhẹ thì có thể điều trị tại nhà bằng cách điều chỉnh và tăng cường khẩu phần ăn, tìm nguyên nhân và loại bỏ nguyên nhân gây suy dinh dưỡng, điều trị các bệnh nhiễm khuẩn (nếu có). Bên cạnh đó, cha mẹ cần theo dõi cân nặng hàng tuần, hàng tháng của trẻ và thực hiện tiêm chủng đầy đủ.
Với những trẻ bị suy dinh dưỡng nặng thì cần điều trị tại bệnh viện bằng các phương pháp như bù nước – điện giải, bổ sung vitamin và muối khoáng, truyền đạm, chống nhiễm khuẩn, điều trị thiếu máu, chống hạ thân nhiệt và chống hạ đường huyết,…
- Với trẻ bị còi xương
Cho trẻ tắm nắng hằng ngày: để chân, tay, lưng, bụng trẻ lộ ra ngoài 10 – 15 phút vào buổi sáng (trước 9h) tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Dưới da có sẵn các tiền vitamin D là dehydro cholesterol, dưới tác động của ánh nắng mặt trời, các tiền vitamin D sẽ bị hoạt hóa chuyển thành vitamin D để hỗ trợ cơ thể chuyển hóa và hấp thu canxi, photpho.
Điều chỉnh chế độ ăn uống: cho trẻ bú mẹ, ăn bổ sung thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, cá, trứng, sữa, gan động vật,… Ngoài ra, cha mẹ cũng nên cho dầu mỡ vào bữa ăn hằng ngày của trẻ với lượng vừa đủ vì vitamin D tan trong dầu nên cho thêm dầu giúp trẻ hấp thu vitamin D dễ hơn.
Giai đoạn mang thai và cho con bú mẹ cần ăn uống đầy đủ, làm việc hợp lý, uống bổ sung sắt, canxi theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Các chuyên gia khuyên nên cho trẻ uống vitamin D 400 UI/ ngày trong suốt năm đầu tiên, nhất là về mùa đông để đảm bảo lượng vitamin D cho bé cần. Ngoài ra nên bổ sung bằng đồ ăn và thực phẩm chức năng thành phần có chứa canxi và vitamin D cùng nhiều chất dinh dưỡng khác giúp cho bé không bị còi xương và còi cọc.